Thứ Ba, 4 tháng 9, 2018

ĐẶC ĐIỂM HOẠT ĐỘNG CỦA DOANH NGHIỆP CÓ VỐN ĐẦU TƯ TRỰC TIẾP NƯỚC NGOÀI

Doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài có nhiều loại hình, nhiều cách thức tổ chức hoạt động khác nhau. Do vậy, nhận thức các đặc điểm hoạt động của các doanh nghiệp này có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo hiệu quả quản lý nhà nước đối với chúng. Doanh nghiệp FDI ở Việt Nam có các đặc điểm cơ bản sau:
– Doanh nghiệp FDI là những tổ chức kinh doanh có yếu tố quốc tế, chủ yếu được thành lập theo hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn, thuộc một phần sở hữu nước ngoài (doanh nghiệp liên doanh) hoặc thuộc toàn bộ sở hữu nước ngoài (doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài). Quá trình thành lập và vận hành của doanh nghiệp FDI luôn có sự cộng đồng trách nhiệm của các bên, đại diện cho lợi ích của các quốc gia khác nhau và được các bên lấy phương châm “cùng có lợi” làm nguyên tắc cơ bản để giải quyết các vấn đề trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp;
– Doanh nghiệp FDI có sự tham gia quản lý trực tiếp của nước ngoài, quyền quản lý của các bên phụ thuộc vào tỷ lệ vốn góp. Tuy nhiên, các doanh nghiệp đều là những pháp nhân Việt Nam, ra đời và hoạt động theo luật pháp của Nhà nước Việt Nam, đồng thời chịu sự chi phối của nhiều hệ thống pháp luật (bao gồm luật pháp của các quốc gia xuất thân của các bên và luật pháp quốc tế);
– Doanh nghiệp FDI thường có phần sở hữu của các công ty đa quốc gia, nên các quyết định của nó không hoàn toàn phụ thuộc vào khuôn khổ pháp lý của Việt Nam. Phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài càng cao, thì hoạt động của doanh nghiệp FDI có thể càng chịu nhiều sự ảnh hưởng của bên nước ngoài. Mặt khác, xu hướng tự nhiên của doanh nghiệp FDI bao giờ cũng coi lợi nhuận là mục tiêu duy nhất hàng đầu; trong khi đó, nước chủ nhà lại quan tâm nhiều đến hiệu quả kinh tế – xã hội, đến sự phát triển tổng thể nền kinh tế. Do vậy, quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phải dung hòa được hai lợi ích này, phải cho doanh nghiệp FDI trong khi phục vụ lợi ích của họ cũng đồng thời phải mang lại lợi ích cho bên Việt Nam nói riêng và Nhà nước Việt Nam nói chung;
– Doanh nghiệp FDI nằm trên lãnh thổ Việt Nam, chịu sự quản lý vĩ mô, chịu ảnh hưởng của tình hình chính trị, kinh tế – xã hội của Nhà nước Việt Nam trên các phương tiện môi trường sinh thái, môi trường chính trị, kinh tế – xã hội…, đồng thời cũng có tác động trở lại đối với đất nước Việt Nam, có thể tích cực hoặc tiêu cực, tuỳ thuộc vào tình hình hoạt động đúng hay chệch hướng, hiệu quả, hay thua lỗ của doanh nghiệp. – Doanh nghiệp FDI hoạt động trong một thời hạn nhất định do Chính phủ nước Cộng Hòa XHCN Việt Nam quyết định đối với từng dự án, thường không quá 50 năm, trường hợp đặc biệt có thể dài hơn nhưng tối đa không quá 70 năm. Hết thời hạn qui định, doanh nghiệp FDI phải giải thể hoặc chuyển cho phía Việt Nam (theo hình thức bồi hoàn hoặc không bồi hoàn). Như vậy, chế độ sở hữu đối với bên nước ngoài chỉ giới hạn trong thời gian hoạt động của doanh nghiệp, trừ số doanh nghiệp phải giải thể, khi hết thời hạn hoạt động những doanh nghiệp FDI đó dù tốt, xấu đều trở thành đơn vị kinh doanh và sở hữu của phía Việt Nam;
– Doanh nghiệp FDI là nơi gặp gỡ và cọ xát giữa các nền văn hoá khác nhau, phản ánh sự pha trộn các yếu tố văn hoá của nhiều nước, thể hiện qua triết lý kinh doanh, tập quán, sự hiểu biết pháp luật, ngôn ngữ, lối sống, thói quen, lòng tin, thái độ, phong cách ứng xử của các bên tham gia. Văn hoá kinh doanh của doanh nghiệp FDI tương đối phức tạp, nhiều khi mang sắc thái chính trị, tôn giáo rõ rệt, làm cho quá trình triển khai và vận hành doanh nghiệp FDI hết sức phức tạp đòi hỏi Việt Nam phải chuẩn bị đủ các điều kiện cần thiết để tham gia kinh doanh với các nhà đầu tư nước ngoài một cách bình đẳng và đảm bảo hiệu quả, đồng thời hạn chế tới mức thấp nhất những thua thiệt có thể xẩy ra đối với nước mình; Doanh nghiệp FDI được coi là loại doanh nghiệp không có cơ quan chủ quản, cơ quan lãnh đạo cao nhất và có quyền quyết định mọi vấn đề của doanh nghiệp là Hội đồng quản trị. Giám đốc chịu trách nhiệm trực tiếp trước Hội đồng quản trị.
Hoạt động của doanh nghiệp FDI là hoạt động theo luật, trong khuôn khổ pháp luật và các cơ quan quản lý nhà nước của Việt Nam chỉ thực hiện chức năng quản lý về mặt Nhà nước đối với các hoạt động của loại hình doanh nghiệp này. Những đặc điểm trên cho thấy, để có thể tham gia kinh doanh với các nhà đầu tư nước ngoài một cách bình đẳng, đồng thời các doanh nghiệp FDI hoạt động đúng định hướng, có hiệu quả cao, phát huy được tác dụng tích cực đến đời sống chính trị, kinh tế – xã hội ở trong nước, ngăn ngừa và hạn chế đến mức thấp nhất những ảnh hưởng tiêu cực, những rủi ro có thể xảy ra trong quá trình hợp tác đầu tư. Việt Nam phải chuẩn bị đủ các điều kiện cần thiết như hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách, phương thức và biện pháp quản lý thích hợp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét